Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Trừng trị tham nhũng ?

 Vậy xin hỏi ông Nhã : cấp cao nhất tham nhũng thì cấp nào đánh ?

Báo Thanh niên.

Bưng bít thông tin là cản trở chống tham nhũng.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga:
TP - Nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra thì hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ thấp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1-11.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga
            Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chưa làm hết trách nhiệm
Thực tế có những vụ việc đang thanh tra thì lại điều chuyển vị trí đi nơi khác?
Luật Thanh tra quy định Đoàn thanh tra có thẩm quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức đảm bảo cho quá trình thanh tra được tiến hành thuận lợi.
Tuy nhiên, có trường hợp, trong quá trình thanh tra, đối tượng bị thanh tra lại được điều chuyển sang cơ quan khác mà Thanh tra không có ý kiến gì!? Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình thanh tra mà trường hợp Dương Chí Dũng là một ví dụ cụ thể.
Một điểm nữa, về thời hạn, hình thức công khai kết luận thanh tra. Cần kiểm tra lại các quy định về điểm này trong luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thanh tra để xem luật yêu cầu công khai kết luận thanh tra bằng hình thức nào.
Theo quy định, có các hình thức thông tin như đưa lên trang web, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp... Nhưng thông thường, cơ quan Thanh tra chọn hình thức hẹp nhất.
Có một công thức mà quốc tế đã thừa nhận: Tham nhũng = độc quyền + bưng bít thông tin - trách nhiệm giải trình. Nếu công chúng bị hạn chế tiếp cận với các kết luận thanh tra thì sẽ hạn chế hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Là chức danh do QH bầu, vì sao đến nay chúng ta chưa tổ chức chất vấn Tổng Kiểm toán?
Kiểm toán có vai trò rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng được quy định tại luật, nhưng hiện nay địa vị của Tổng Kiểm toán và cơ quan kiểm toán rất nửa vời.
 Hầu như không có trường hợp cố ý làm trái nào mà không có động cơ là để tham nhũng. Cho nên phải hình sự hóa một số hành vi trong Luật Phòng chống tham nhũng, đưa tội tham nhũng và các tội có liên quan vào luật hình sự. Ví dụ tội cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải xem xét. Thực tế, có những vụ việc rất lớn mà chỉ xử được tội “cố ý làm trái”, bởi quy sang tội khác thì không được”. 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Hiệu lực của kết luận kiểm toán không cao vì không bắt buộc thực hiện. Tổng kiểm toán quan trọng như vậy nhưng chưa bao giờ được bố trí lịch để trình bày báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm trước QH.
Như vậy, ĐBQH sẽ rất lúng túng. Ở nhiều quốc gia, khi thảo luận về ngân sách, Tổng kiểm toán được bố trí một ghế, phải được QH chất vấn, trong khi ta chưa quy định trong luật Tổng kiểm toán là một đối tượng bị chất vấn mặc dù được QH bầu.
Tôi cho rằng, trong Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Kiểm toán phải được sửa lại theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và Kiểm toán nhà nước, và trở thành đối tượng chất vấn tại QH.
Khi thảo luận ngân sách hằng năm, vị này cũng phải đứng lên báo cáo và sẵn sàng trả lời khi ĐB có yêu cầu. Có như vậy, các hoạt động liên quan phòng chống tham nhũng trong thu chi ngân sách mới tốt được.
Không nương nhẹ tham nhũng
Như bà nói, chống tham nhũng khó khăn do thực hiện luật chưa đúng, bưng bít thông tin… Bà có đề xuất giải pháp gì?
Trước hết, phải làm đúng quy định của luật, bởi luật đã quy định rất rõ. Bây giờ, ta nói nhiều đến việc đưa và nhận hối lộ.
Hiện tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng với tình hình quốc nạn ấy, nhưng ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ, đồng thời xử lý người đưa hối lộ.
Điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn còn rất nhỏ và hẹp. Dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình.
Tôi đã đề xuất một vài lần trước QH trong tình hình hiện nay, nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ.
Vì công chức nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Cũng cần hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không bị nhũng nhiễu, gây khó dễ.
Thảo luận tại QH về công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ĐB lo ngại việc xử án treo đối với các tội danh này còn nhiều?
Án treo là một quy định rất nhân đạo trong Bộ luật Hình sự, án treo nhiều hay ít không quan trọng bằng án treo đúng và xử đúng.
Tuy nhiên qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự, tôi thấy có sơ hở ở chỗ: chủ thể của tội tham nhũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được.
Trong khi đó, điều kiện hưởng án treo là bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn theo lý lịch đều có nhân thân tốt, chưa kể tòa án còn có thể xem xét các tình tiết như có thành tích, huân huy chương, phạm tội lần đầu.
Như vậy chúng ta đang mâu thuẫn ở chỗ vừa trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, vừa lấy đặc điểm của chủ thể ấy ra để giảm tội và cho hưởng án treo.
Chừng nào chưa khắc phục được sơ hở pháp luật này thì không thể trách tòa án cho hưởng án treo các đối tượng đủ điều kiện.
Cần xem lại điều kiện hưởng án treo đối với các tội phạm tham nhũng, không thể xét các tình tiết giảm nhẹ cho họ ngang những tội phạm về trật tự trị an khác.
Bàn tròn về phòng chống tham nhũng ở địa phương
Cần Thơ - Trong 2 ngày 1 và 2-11, tại TP Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng phối hợp Đại sứ quán, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tổ chức bàn tròn Công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương - Thực trạng và giải pháp, khu vực phía Nam.
Một số tham luận đề cập tính minh bạch trong quản lý cũng như môi trường kinh doanh, khuyến khích cơ quan báo chí truyền thông và cộng đồng xã hội cùng tham gia phòng chống tham nhũng.
Trần Khánh Linh
Nguyễn Tuấn 
ghi

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Thương binh Hà Tĩnh và dân oan biểu tình tại trụ sở tiếp dân của nhà nước .

 Sáng nay, khi tôi đến trụ sở tiếp dân của Nhà nước tại số 1 Ngô Thì Nhậm Hà đông thì đã thấy đông nghẹt các thương binh và dân oan  Hà Tĩnh và dân oan nhiều nơi đang ở trong khu chờ của trụ sở tiếp dân.
 Các thương binh sau khi hội ý thì họ đã cùng các dân oan kéo ra cổng căng biểu ngữ, cờ để tự quay phim, chụp hình, yêu cầu chính quyền Hà tĩnh cùng các cơ quan nhà nước giải quyết các khiếu nại của họ :



Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Phó chánh VP Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Gia Lai tự tử


 Dân Việt - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Gia Lai, được phát hiện chết trong tư thế thắt cổ tự tử trong phòng ngủ tại nhà riêng ở phường Thống Nhất, TP Pleiku (Gia Lai).

Khoảng 19 giờ ngày 30.10, bà Hoàng Thị Phương (48 tuổi), 225/46 Phạm Văn Đồng, Phường Thống Nhất (Tp Pleiku)- Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Gia Lai, được người nhà phát hiện tự tử tại nhà riêng.
Người thân, hàng xóm, đồng nghiệp dự đám tang bà Phương
Con trai của bà Phương là người đầu tiên phát hiện bà Phương tự tử. Do đến giờ cơm gọi điện không thấy mẹ bắt máy, sau khi ăn cơm xong, sốt ruột nên anh này về nhà nhưng không thấy bật đèn, cả nhà tối om, xe vẫn để ngoài sân, cổng khóa kín.
Khi bật đèn thì phát hiện bà Phương đang trong tư thế treo cổ, anh đã hô hoán hàng xóm và trình báo với cơ quan chức năng đến làm việc.
Chồng bà Phương mất cách đây 2 năm vì mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình bà có hai người con trai.

Dân oan Tiền Giang ngủ vỉa hè cạnh cổng tiếp dân của Nhà nước.

  Một số bà con dân oan từ Tiền Giang vừa gửi cho tôi, nhờ đăng lên mạng những bức ảnh về sự khốn khổ của họ khi ra Hà nội khiếu kiện về đất đai. Họ cho biết : tối qua họ gần năm chục người đã phải mua bạt dứa để trải ra hè, hai bên cổng trụ sở tiếp dân trung ương đảng và Nhà nước tại Số 1 Ngô Thì Nhậm Hà đông để ngủ dưới trời rét mướt : 





Ảnh chụp lúc 7 giờ sáng hôm nay.

   Bà con cũng cho biết : hết giờ làm việc, trụ sở dồn hết bà con ra đường và kéo cổng sắt lại. Từ trong Tiền Giang ra đây không quen biết ai, không có người nhà và cũng không có tiền đển đủ thuê nhà trọ. Tất cả dồn tiền nhờ dân gần đó mua giúp bạt dứa, có bác nhà gần đó thương tình mang cho một tấm và mấy cái áo rét cũ. Bà con trong kia đâu biết ngoài này rét mà mang áo khoác ?
  Điện thoại của tôi đang reo đây, bà con đang gọi nhờ cậy. Tôi thì giúp gì được cho họ bây giờ thưa mấy cán bộ trung ương ?
 Tôi sẽ đăng tiếp tin về tình hình của bà con sau khi có thông tin tiếp theo, tôi mong rằng có ai đó ở gần nếu có chăn hay áo khoác cũ có thể cho bà con để chống lạnh. Người trong Nam không chịu rét như chúng ta ngoài Bắc, hãy nhớ câu bầu ơi thương lấy bí cùng.
         
Cập nhật lúc 20 giờ  30 : 

 Một số dân oan Tiền Giang cho biết : tối nay họ bao gồm gần năm chục người tiếp tục nằm trên hè, hai bên cổng số 1 Ngô Thì Nhậm để ngủ qua đêm. Một số bà con  quanh đó thấy họ rét đã mang cho một số áo và chăn cũ. Sáng mai họ sẽ gửi ảnh và các thông tin diễn biến tại đó nhờ đăng tải lên mạng.

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Chuyện về công an đối xử với dân oan - Bài 2

  
  Gần đây, những việc làm khuất tất, lề lối làm việc gian dối của nhiều sỹ quan công an đối với những người dân oan càng gia tăng, nhân dân ai cũng đều thấy rõ. Ở đây tôi chỉ nêu thí dụ nhỏ mà rất cụ thể:
  Bà Phan Ánh Ngọc (tỉnh Bình Phước) là một chiến sĩ quân đội nhân dân đã từng chiến đấu ở nhiều mặt trận tại miền Nam Việt Nam. Bà Ngọc bị chính quyền CƯỚP đất, bà đã ra Hà Nội để nộp đơn khiếu nại,vì không có nhà trọ, bà Ngọc phải ra ngủ ở vườn hoa...
   Và bà Ngọc đã bị công an phường Thuỵ Khuê cướp tài sản riêng trong 2 lần - ngày 23/7 và đêm 27/7/2012 - chi tiết đơn xin đọc bài :"Cách hành xử của công an với dân oan - Bài 1" : http://lhdtt.blogspot.com/2012/10/chuyen-ve-cong-oi-xu-voi-dan-oan-tap-1.html
  Riêng bài này tôi tường thuật cụ thể về hành trình công việc của công an với một người dân oan là bà Ngọc. Bà Ngọc đã đến nhà tôi nhiều lần từ đầu năm 2012. Tôi chỉ hướng dẫn bà Ngọc nên nộp đơn ở cơ quan nào, địa chỉ nào nhưng lần này tôi quá bất bình về cách đàn áp dã man của viên công an phường Thuỵ Khuê với một người đàn bà quá nhiều mất mát, đau khổ.
  Chiều ngày 15/10/2012, bà Ngọc đến thăm tôi lần thứ 4. Sau khi nghe bà Ngọc trình bày cụ thể và rất chi tiết, tôi đã suy nghĩ và chọn phương án trên tinh thần "Đóng cửa bảo nhau":

 - Bước 1: Tôi gọi điện cho trưởng công an phường Thuỵ Khuê (tên là Thi, số điện thoại 0903253764) - không nghe máy. Tôi lại gọi cho phó công an phường (tên là Hải, số điện thoại 0913506345), cũng không nghe máy. Tôi định đề nghị công an "tự giác" trả lại tài sản đã CƯỚP của bà Ngọc ngày 27/07/2012 rồi cho qua nhưng CA ở phường này không tiếp thu ý kiến trên tinh thần xây dựng của tôi mà trốn tránh. Tôi lại gọi điện thoại tới trực ban, người này yêu cầu phải làm đơn đến phường...Tất nhiên, tôi không việc gì phải viết đơn từ cho phường cả.




- Bước 2: Tôi gọi điện đến trường công an quận Tây Hồ - tên là Nguyễn Bá Hưng, số điện thoại 0903407640 - không nghe máy, phó công an quận là Ngô Chí Cường, số điện thoại 0903231358, người này thưa máy nhưng nói đang họp. Lần khác tôi gọi cho phó công an quận là Nguyễn Tiến Chiến, số điện thoại 0913204777 nhưng không liên lạc được. Tôi lại gọi cho trực ban số máy là 0439397820, ở đây sau khi nghe tôi tự giới thiệu tên là Lê Hiền Đức, 81 tuổi... thì ngay lập tức viên công an này dập máy cái rụp rất vô lễ.



- Bước 3: Tôi gọi điện cho công an Hà Nội thì gặp một cán bộ nghe máy và nghiêm túc. Lập tức ông cử người đến gặp tôi, cũng lắng nghe dân oan trình bày, đồng thời cũng nhận đơn của người này. Sau khi nghiên cứu ông đã chuyển đơn của dân oan đến bộ phận có trách nhiệm để giải quyết đồng thời ông cũng thông báo cho tôi biết để tôi liên lạc với bộ phận phụ trách việc này.
 Tôi liên lạc với cán bộ của bộ phận có trách nhiệm giải quyết việc này đã 3 lần. Cán bộ cho tôi biết là "đang xác minh". Tôi chờ đợi cho đến hôm nay là 12 ngày. Tôi gọi điện để hỏi kết quả giải quyết ra sao, cán bộ này trả lời rằng: "Bác nộp đơn lên công an phường". Trời, tôi có việc gì mà phải nộp đơn cho phường? Đây là 1 cách trốn tránh trách nhiệm, hay còn gọi là "đùn đẩy"  hoặc là "bao che vô trách nhiệm"???
   Tôi là một công dân 81 tuổi, chỉ vì công lý, lẽ phải, vì thương dân mà tôi lên tiếng chứ tôi có phải là người kiện thuê đâu? Các ông này là người ăn lương bằng tiền thuế của dân, sống bằng mồ hôi, nước mắt của dân mà không giải quyết lại đẩy cho tôi ?. Việc của ông sao ông lại nói tôi làm thay ông? Hơn nữa tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân khi đến trụ sở CA thì là NGƯỜI, khi ra là cái xác không hồn rồi (mới từ đầu năm 2012 đến nay tôi đã đếm được 19 trường hợp dân bị chết trong sở công an).



- Bước 4: Tôi lại gọi điện đến ông cục trưởng phụ trách mảng này (A88) rất nhiều lần nhưng ông không thưa máy ??? Tôi gọi đến ông Tổng cục phó, ông nói ông đang họp, sau khi họp đã chủ động gọi lại cho tôi.Tôi chân thành cảm ơn ông Nông Văn Lưu. Ông hứa sẽ cử người đến gặp tôi để phản ánh rồi chỉ đạo giải quyết. Tôi thấy tin tưởng hơn và cũng từ những hành trình trên tôi nhận ra rằng cũng còn có nhiều người TỐT. Mong lắm sẽ có sự nghiêm túc để giải quyết vụ việc này cho dân, đồng thời cũng để ông bộ trưởng đánh giá đúng những người cán bộ tốt, phát huy hơn nữa, đồng thời để ông bộ trưởng thấy rõ được lối làm ăn không tốt của nhiều cán bộ chiến sĩ trong ngành, chính những con người đó đã "bôi tro trát trấu" và làm mất uy tín của ngành CA.

   Trên đây chỉ là một thí dụ nhỏ thôi, còn trên thực tế thì rất nhiều chuyện mà tôi đã mắt thấy tai nghe. Tôi sẽ tiếp tục phản ánh thêm nhiều chuyện khác để xây dựng cho ngành công an.
Tôi là một công dân mong nói lên sự thật ở mọi nơi, mọi chỗ khắp các ngành, các cấp để góp phần XÂY DỰNG một xã hội trong sạch đúng nghĩa của chữ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN




 

Công dân LÊ HIỀN ĐỨC.