Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Gần ngàn đảng viên Hà nội bị kỷ luật nhưng cán bộ vẫn không ai yếu kém.

  Theo công bố của Thành uỷ Hà nội thì không có cán bộ nào yếu kém, thế nhưng ngược lại báo chí lại cho biết cả ngàn đảng viên bị kỷ luật, vậy các đảng viên này không ai là cán bộ ? 
  Ngay cả mấy anh chóp bu của EVN, Vinaxin, Vinaline bị bắt hàng loạt đi tù, họ là đảng viên là chắc chắn rồi, vậy không yếu kém ? 
 Phải chăng Hà nội đang trong tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, thông tin bất nhất khiến dư luận và Nhân dân mất phương hướng, không còn biết tin vào đâu ? phải chăng cơ quan thông tin tuyên truyền đã đánh mất chức năng, để lọt vào tay các blogger và mạng xã hội ?

  Hà Nội kỷ luật 847 Đảng viên

Thứ năm 17/01/2013 11:17 - Infonet.
Trong năm 2012 UBKT Thành ủy đã đề xuất kiểm điểm sâu đối với 7 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và 35 tổ chức Đảng. Cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 847 đảng viên.
   Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, UBKT Thành ủy Hà Nội cho biết năm 2012, UBKT các cấp đã kiểm tra 292 đảng viên có dấu hiệu vi phạm (135 là cấp ủy viên các cấp) thiếu tinh thần trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao, quản lý và sử dụng đất đai, đoàn kết nội bộ...

Năm 2012 Hà Nội có 847 Đảng viên bị kỷ luật, tăng 121 trường hợp so với 2011. Ảnh minh họa. DT
Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã phát hiện 190 trường hợp vi phạm (hơn 65%). Trong đó 122 trường hợp bị thi hành kỷ luật. Bên cạnh đó UBKT các cấp cũng tiến hành kiểm tra 91 tổ chức Đảng cấp dưới có dấu hiệu vi phạm, phát hiện 50 tổ chức có vi phạm. Những trường hợp sai phạm sẽ phải kiểm điểm nghiêm túc hoặc xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Cũng trong năm 2012, UBKT Thành ủy đã kiểm tra gần 3.500 lượt tổ chức Đảng cấp dưới. Thực hiện giám sát chuyên đề được 5.765 lượt đảng viên và 1.750 tổ chức Đảng.
Cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 847 Đảng viên (tăng 121 trường hợp so với năm 2011), trong đó có 276 trường hợp là cấp ủy viên các cấp, với các hình thức kỷ luật là: Khiển trách (509 trường hợp), cảnh cáo (226), cách chức (31) và khai trừ (81); có 59 đảng viên bị truy tố trước pháp luật, trong đó có 52 trường hợp phạt tù... UBKT Thành ủy đã đề xuất kiểm điểm sâu đối với 7 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và 35 tổ chức Đảng.
Theo UBKT Trung ương và Thành ủy Hà Nội, việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm chưa tương xứng và chưa đánh giá đúng mức độ vi phạm, còn có thái độ ngại va chạm. Trong thời gian tới UBKT Thành ủy và UBKT các cấp cần tập trung triển khai toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo điều lệ, đặc biệt là giám sát chuyên đề và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Hàng loạt sai phạm động trời tại ĐH Quốc gia Hà Nội


 (VTC News) - Sáng 10/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra hàng loạt sai phạm trong liên kết đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội từ 2006-2010.

Hàng loạt sai phạm trong tổ chức, liên kết đào tạo

Thanh tra Chính phủ cho biết, Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) – đơn vị được ĐHQGHN  thực hiện liên kết đào tạo  cử nhân (159) sinh viên và thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA – 2035 học viên) với 2 đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Dalawave đã mắc nhiều sai phm.

Thanh tra Chính phủ phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của đơn vị này trong việc chi thanh toán cho ĐH Griggs.
Hàng loạt sai phạm động trời tại ĐH Quốc gia Hà Nội
Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm trong liên kết đào tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội

Toà án và công an phạm luật - ai xử ?


Tòa xử công khai nhưng... kín!

TÂM LỤA |  
TT - Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hành chính đều có điều khoản quy định các phiên tòa được xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự phiên tòa. Thế nhưng thực tế có những phiên tòa đóng kín cửa không lý do.
Cảnh thường xuyên tại Toà Hà nội :công an ngăn cản người dân vào dự phiên xử công khai.
   Hàng chục người dân tập trung trước cổng TAND TP Hà Nội (43 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) xin vào xem xét xử. Trước cổng tòa, hai bảo vệ của tòa án và 4-5 người mặc cảnh phục đứng chắn ngay lối vào. Họ kiểm tra rất gắt gao. Ai có giấy triệu tập của tòa mới được qua cổng. Đó là những hình ảnh diễn ra thường ngày ở TAND TP Hà Nội.
Một phụ nữ với gương mặt khắc khổ chen vào xin bảo vệ cho vào xem xét xử cháu ruột nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bà bị đẩy ra ngoài mặc dù đã hết lời năn nỉ rằng bà đã đi mấy trăm cây số giữa trời lạnh buốt từ 3g sáng mới tới được đây.
Trong tòa án, trước cửa phòng xử 104B, một người đàn ông đứng xin hai công an cho vào trong xem xét xử nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Năn nỉ mãi không được, người đàn ông văng tục, chửi bới ầm ĩ cả dãy hành lang. Khi đó lực lượng công an mới cho ông vào phòng.
Vi phạm pháp luật ngay tòa án
Qua được cổng bảo vệ chưa xong, trước cửa phòng xét xử luôn có nhiều công an đứng canh gác để kiểm tra giấy tờ của người đến xem xét xử. Mặc dù các phiên xét xử đều là các vụ án dân sự, hình sự bình thường, không phải các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia hoặc các vụ hiếp dâm mà bị hại yêu cầu xử kín, thế nhưng lực lượng bảo vệ vẫn cương quyết không cho người dân vào xem xét xử.
Ở TAND TP.HCM, việc người dân vào tòa xem xét xử dễ dàng hơn khi cánh cổng vào tòa luôn mở rộng. Nhưng ở tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM trên tầng 2, mọi việc có vẻ khó khăn hơn. Người đến đây đều phải xuất trình giấy tờ cho bảo vệ. Một số sinh viên luật đến dự phiên tòa để học tập, có chứng minh nhân dân nhưng không có giấy giới thiệu của trường cũng bị bảo vệ không cho vào.
Việc không cho người dân vào tòa xem xét xử không những vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, mà còn làm nảy sinh tiêu cực. Theo phản ảnh của một số người dân, ai có tiền cho lực lượng bảo vệ ở cổng TAND TP Hà Nội sẽ được vào tòa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hội - thẩm phán, chánh văn phòng TAND TP Hà Nội - khẳng định lãnh đạo TAND TP Hà Nội chưa bao giờ cấm người dân vào xem xét xử mà chỉ hạn chế. Theo ông Hội, TAND TP Hà Nội đang sửa chữa trụ sở, diện tích chật chội, phòng xử nhỏ hẹp, mỗi phòng xử chỉ ngồi được 15-20 người nên phải hạn chế người dân vào xem. Việc hạn chế người ra vào tòa để “bảo vệ thẩm phán, viện kiểm sát và những người tiến hành tố tụng. Chúng tôi sợ một số đối tượng lưu manh côn đồ vào tòa án rồi lợi dụng ngủ lại để phá cơ sở vật chất, lấy cắp tài liệu hồ sơ...”.
Lý do ông chánh văn phòng TAND TP Hà Nội đưa ra là không thuyết phục vì ngay cả khi chưa sửa chữa trụ sở, TAND TP Hà Nội cũng kiểm soát rất gắt gao việc người dân vào xem xét xử. Vụ án được xử ở phòng lớn hay bé, phòng xử có còn chỗ hay không thì mỗi sáng lực lượng bảo vệ ở cổng TAND TP Hà Nội vẫn ngăn cản người dân vào tòa.
Trả lời về việc dân phải đưa tiền cho bảo vệ mới được vào tòa án, ông Hội cho biết: “Trước đây chúng tôi có nhận được đơn tố cáo của người dân về vấn đề này, qua xác minh cũng đã cho thôi việc một bảo vệ. Người dân bảo có đưa tiền, bảo vệ lại nói không nên rất khó xử lý. Chúng tôi đã đặt camera ở cổng tòa để theo dõi bảo vệ tiếp xúc với dân ra làm sao, có tiêu cực xảy ra hay không. Lãnh đạo TAND Hà Nội rất mong dân chụp ảnh, quay phim hay có những bằng chứng xác thực về việc bảo vệ nhận tiền, chúng tôi sẽ xử lý các trường hợp vi phạm”.
Đổi quyền hợp pháp của dân để lấy sự nhàn hạ?
Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư TP Nam Định) cho rằng một số tòa án không cho người dân vào xem xét xử lấy lý do “bảo vệ trật tự phiên tòa” là bao biện, không thuyết phục. Luật sư Trai cho biết: “Nhiều phiên tòa còn chỗ trống rất nhiều nhưng bảo vệ không cho dân vào xem. Trách nhiệm của lực lượng hỗ trợ tư pháp là giữ gìn trật tự phiên tòa, nhưng thay vì làm nhiệm vụ của mình thì họ cấm không cho dân vào phòng xử. Căn cứ điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, mọi người dân đều được quyền tham dự phiên tòa. Một người đi đường tránh mưa cũng có quyền tạt vào xem tòa hôm nay xử gì. Những hành vi ngăn cản người dân vào phòng xử nghe tòa xử án đều vi phạm pháp luật”.
Luật sư Ngô Ngọc Trai nói: “Luật tổ chức tòa án nhân dân điều 38 quy định: thẩm phán, hội thẩm phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Việc người dân tham dự phiên tòa chính là giám sát cán bộ tòa án tuân thủ, thực thi pháp luật. Đây cũng là một phương thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sinh động”.
Luật sư Trai là người đã gửi bản kiến nghị tới chánh án TAND tối cao để phản ảnh về việc người dân bị ngăn trở khi đến xem xét xử, nhưng tới nay không nhận được phản hồi. Luật sư cho biết sắp tới sẽ tiếp tục gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chủ tịch nước.


    Ngồi bệt ở cổng tòa
Tại phiên tòa xét xử vụ côn đồ hành hung người dân Văn Giang (sáng 30-11-2012, TAND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), rất đông người dân muốn tham dự phiên tòa nhưng đều phải đứng bên ngoài. Lực lượng bảo vệ tòa án thường không giải thích, không đưa được lý do chính đáng tại sao không cho người dân vào xem xét xử. Nhiều người sau khi xin vào không được đã ngồi bệt ở cổng tòa khóc.



Quan tham hại dân nghèo!


 LHĐ : Cách đây hai tháng, tôi đã đăng bài về vụ này và chờ anh Luận bộ trưởng Giáo dục làm rõ, xử lý, trả lời trước công luận nhưng đến nay vẫn chưa thấy anh Luận làm gì.



(Kienthuc.net.vn) - 80 giáo viên ở Yên Bình (Yên Bái) bỗng dưng bị cắt biên chế do "quan tham" ăn tiền, rồi nhận thừa cả mấy trăm giáo viên... Đây là tin quá sốc. 

Trái đạo lý và pháp lý
Ông nghĩ thế nào về sự việc 80 giáo viên ở Yên Bình đột ngột bị cắt biên chế?
Tin đó làm tôi rất sốc. Tôi không thể nghĩ được ở một huyện miền núi có thể sa thải một lúc 80 giáo viên. Đáng lẽ ở những vùng như thế thì phải động viên người ta làm việc tốt hơn nhưng chính quyền lại làm việc ngược đời là đưa họ ra khỏi biên chế không có lý do thuyết phục. 
Thừa thì cắt, điều đó theo lý lẽ của lãnh đạo huyện này chắc cũng là bình thường?
Nhưng có thật huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái thừa giáo viên không? Thực ra biên chế của mình hiện nay, nhất là ngành giáo dục, nhiều khi phân bổ không đúng đâu. Những chỉ tiêu hành chính rất máy móc. Ví dụ, Bộ GD&ĐT quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh nhưng trên thực tế, đa số lớp là 50 - 60 học sinh. 
Ở miền núi có thể lớp học không đông như vậy, nhưng lại có những lớp ghép ba bốn khối với nhau - em lớp 1, em lớp 3, em lớp 4. Những lớp đông, lớp ghép như vậy cũng chỉ bố trí một biên chế giáo viên có hợp lý không? Nhưng dù biên chế có thừa cũng không thể đối xử với con người như thế được, huống chi đây là những nhà giáo.
Dư luận bất bình với quyết định này!
Đó là quyết định thiếu tình người. Chưa kể nhiều trường hợp để được đi dạy học đã buộc phải đút lót cho quan chức, giờ lại bị đuổi khỏi ngành thì xử sự như vậy rất là vô đạo đức. Về pháp luật mà nói, cũng không có căn cứ nào để thải loại một lúc 80 giáo viên cả. 
Lãnh đạo huyện coi đó là hành động để "sửa sai", ông đánh giá thế nào về giải pháp "sửa sai" này?
Ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Không thể bắt giáo viên phải gánh chịu cái sai của lãnh đạo. 
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói về việc 80 giáo viên ở Yên Bình đột ngột bị cắt biên chế.
Không ai ký biên nhận khi ăn tiền cả!
Theo điều tra ban đầu thì lý do để thải loại 80 giáo viên là có những khuất tất trong việc nhận biên chế. Điều này theo ông có khó hiểu không?
Nếu có khuất tất thì trước hết những người đã nhận tiền của giáo viên để "nhét" họ vào các trường phải chịu trách nhiệm. Dư luận nói rất nhiều về chạy việc chạy chức chạy quyền rồi. Nhưng các cấp quản lý luôn nói không có bằng chứng. Vậy những trường hợp này có phải bằng chứng không? Khi đã có tố cáo của người liên quan thì chính quyền phải vào cuộc làm rõ. 
Và theo thông tin đến thời điểm hiện tại thì ông chủ tịch huyện tai tiếng nhất trong vụ này thì chuyển lên đảm trách cương vị phó trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh.
Tôi sửng sốt khi nghe thông tin trong phóng sự rằng phần lớn những người bị giáo viên tố cáo đều đã được thăng chức. Cần phải làm rõ sự thực như thế nào để xử lý thích đáng.
Nhưng theo luật, người đưa hối lộ cũng bị xử lý. Những giáo viên này cũng vi phạm pháp luật?
Đúng vậy. Nhưng sẽ phải xem xét hoàn cảnh cụ thể. Ở đời, không ai tự nguyện đưa tiền cho người khác cả, trừ bố mẹ đưa tiền cho con. Trong trường hợp người đưa hối lộ đứng ra tố cáo thì họ sẽ được xem xét để giảm mức hình phạt. 
Được biết có những người phải bán trâu, bán ruộng, bán thóc để có 40 - 50 triệu đồng chạy việc. Vì vậy, có ý kiến cho rằng họ đáng thương hơn là đáng trách?
Dù đáng thương thì theo quy định của Bộ luật Hình sự người đưa hối lộ cũng vi phạm pháp luật rồi. Tốt nhất là hãy tố cáo kẻ ăn hối lộ để được khoan hồng.

Giả sử không có bằng chứng thì liệu có xử lý được không?
Tôi nghĩ là lãnh đạo quyết tâm, cơ quan thanh tra, điều tra quyết tâm thì làm được. Thông thường, chẳng mấy ai ăn hối lộ lại ký biên nhận. Nhưng hãy thử hỏi xem vì sao mà ông quan nọ quan kia cố "ấn" những giáo viên này xuống trường dù trường đã có đủ biên chế? Bằng chứng ở đó chứ ở đâu! Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan thanh tra, điều tra còn nắm được những chi tiết như người ta đưa tiền cho ai, lúc nào, ở đâu, người đưa tiền mô tả nhà cửa, phòng trong phòng ngoài thế nào... để đấu tranh với quan tham. Nhiều người cùng tố cáo thì dễ tìm ra thôi. Nhưng nói thật là giao cho cơ quan cấp tỉnh thanh tra, điều tra mấy ông quan tỉnh thì khó lắm. 
Qua sự việc này có lẽ sẽ có người nghĩ rằng: Quan tham làm hại dân nghèo. Ông có nghĩ vậy không?
Quan tham nào chả hại dân. Dân càng nghèo thì càng bị hại nặng hơn.

Ngành nào cũng thế thôi!
Câu chuyện "chạy công chức" có phổ biến trong ngành giáo dục?
Theo quan sát của tôi thì nó phổ biến trong tất cả các ngành. Nhìn chung bây giờ làm cái gì cũng phải tiền. Nó thành tập quán xã hội mất rồi. Tập quán ấy đã đẩy người đi tìm việc đến chỗ phải hối lộ. Trách họ một phần, trách những quan tham  mấy phần. Nếu quan chức đứng đắn, nhất định không nhận thì ai hối lộ cho được!
Ở góc độ công luận, nếu những giáo viên này bị xử lý thì sẽ là một sự chua xót!
Bản thân tôi cũng thấy áp dụng hình phạt với họ thì bất nhẫn. Vì bất đắc dĩ mà họ phải làm thế. Mất tiền, họ được cái công việc chẳng đáng gì, với mức lương bèo bọt. Nếu là tôi thì chắc là tôi sẽ gom tiền mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa để sống còn hơn là làm việc đó. 
Nhưng như thế sẽ phí công học hành của mình?
Biết làm thế nào? Còn hơn là mất cả chì lẫn chài như những giáo viên ở Yên Bình. Mình tự tạo ra sự nghiệp của mình có phải hơn không?
Nhưng trong ngành giáo dục, số biên chế hiện nay là quá ít so với số sinh viên sư phạm ra trường  hàng năm. Nhiều cử nhân đi làm xe ôm, lái taxi, bán hàng thuê...
Không chỉ ngành sư phạm mà nhiều ngành khác cũng thế thôi. Thực tế chỉ có khoảng 20% sinh viên ra trường là kiếm được việc làm đúng nghề được đào tạo. Cử nhân tốt nghiệp ngành kỹ thuật bây giờ cũng đi bán mỳ tôm... Đó là vấn đề xã hội rồi.

Bước đường cùng họ mới tố cáo
Theo ông thì vì sao mãi đến khi bị đuổi, số giáo viên này mới dám tố cáo?
Họ chẳng dại gì gây sự khi đã có việc làm. Nhất là khi người nhận tiền lại đang có chức có quyền, nắm sinh mạng chính trị của họ. Giờ đến bước đường cùng rồi, của đau con xót thì họ mới phẫn nộ mà nói thôi. Đó là tâm lý bình thường của con người.
Vậy để làm một cuộc thanh lọc cán bộ, chỉ mặt người từng ăn hối lộ có dễ không?
Tôi tin là nếu các cơ quan chống tham nhũng vận động người dân tố cáo và cam kết bảo vệ họ thì có thể tìm ra rất nhiều vụ. Nhưng vấn đề là các cơ quan phòng chống tham nhũng có quyết tâm làm không. 
Theo quy định thì khi nào giáo viên bị sa thải?
Thường thì phải phạm lỗi rất nghiêm trọng, thường là về đạo đức, về kỷ luật thì mới bị sa thải. Ít có giáo viên phải ra khỏi ngành vì chuyên môn yếu lắm.

Liệu có khả năng nào 80 giáo viên này được trở lại biên chế?
Tôi tin là 80 giáo viên này phải được trở lại biên chế. 
Quay lại để bị trù dập?
Nếu những tố cáo của giáo viên được chứng minh thì liệu những người ăn tiền của họ có còn "ghế" không mà trù dập họ?  
Xin cảm ơn ông!
Công đoàn giáo dục không thể bỏ mặc anh chị em trong hoàn cảnh này. Ngoài công đoàn, còn có đoàn thanh niên, hội phụ nữ... sao không thấy đoàn thể nào lên tiếng? Chính quyền huyện Yên Bình và tỉnh Yên Bái cũng phải có lời giải thích và có biện pháp giải quyết tình trạng này, chứ không thể phớt lờ dư luận, báo chí được.
Tô Hội (Thực hiện)

Quan chức Cần Thơ quá thèm tiền ?


Cần Thơ:

Ngang nhiên phân lô, bán nền trên đất của dân

(Dân Việt) - Dù giữa chủ đầu tư và người dân chưa đạt được thỏa thuận trong việc áp giá đền bù giải tỏa... nhưng chủ đầu tư vẫn “làm liều” quy hoạch chi tiết phân lô, xẻ nền trên đất và nhà của dân đang ở để thu lợi.

Ngày 11.1.2005, UBND quận Cái Răng, TP.Cần Thơ ra quyết định thu hồi 3.042,2m2 đất (trong đó có 302m2 đất thổ cư) của hộ ông Trần Bá Hữu, tọa lạc tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Mục đích thu hồi để xây dựng khu dân cư Hưng Phú I, tại khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ do Công ty Phát triển – Kinh doanh nhà Cần Thơ (nay là Công ty TNHH một thành viên Phát triển – Kinh doanh nhà) làm chủ đầu tư.
Ngôi nhà của gia đình ông Hữu xuống cấp muốn sửa lại cũng không được.
Được biết, năm 2003 – 2005, chủ đầu tư và hộ ông Hữu đã có một số lần gặp nhau để thương lượng và thỏa thuận về việc thu hồi đất nhưng giữa hai bên chưa đi đến thống nhất về giá cả. Theo đơn khiếu nại của ông Hữu: Đến ngày 14.4.2010, công ty tiếp tục mời gia đình để thương lượng. Theo đó, đề nghị bồi thường với mức giá đất thổ cư 1 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp 850.000 đồng/m2. Với giá đền bù này, gia đình đồng ý và đề nghị mua lại một nền lô A18 với giá chuyển nhượng 2,8 triệu đồng/m2 và hai nền lô B (36B16 và 38B16) với giá chuyển nhượng là 2,2 triệu đồng/m2.
“Mặc dù giá chuyển nhượng của công ty so với giá đền bù cao hơn gấp nhiều lần nhưng gia đình tôi vẫn muốn mua vì những nền này nằm trên phần đất bị thu hồi của gia đình và tôi muốn giữ lại để làm nơi thờ cúng ông bà tổ tiên” – ông Hữu nói.
Bà La Thị Ngọc Chinh - vợ ông Hữu búc xúc: “Đòi hỏi của gia đình tôi là chính đáng nhưng không hiểu sao phía chủ đầu tư chưa thỏa thuận đền bù xong với người dân đã ngang nhiên phân lô, xẻ nền để chuyển nhượng cho người khác. Ngôi nhà của tôi xuống cấp muốn sửa lại cũng không được”.
Ngày 20.12.2012, ông Nguyễn Kim Thiện – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển – Kinh doanh nhà Cần Thơ có công văn gửi UBND quận Cái Răng và Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cái Răng cho rằng: Căn cứ biên bản thỏa thuận ngày 24.1.2006 về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc khu dân cư Hưng Phú I - công ty đã chuyển nhượng cho bà Phạm Cẩm Thùy một nền thổ cư 36B16 với diện tích 81m2 và hộ bà Phạm Thị Nghi một nền thổ cư 38B16 với diện tích 81m2.
Cũng theo báo cáo của ông Nguyễn Kim Thiện: Theo biên bản thỏa thuận ngày 14.4.2010, phía ông Hữu có đặt vấn đề mua lại 3 nền nêu trên. Những người tiền nhiệm trước đây có báo cáo lại là đã mời bà Thùy và bà Nghi đến để thương lượng hoán đổi nền ở vị trí khác nhằm giải quyết theo yêu cầu của ông Hữu nhưng không được hai bà chấp nhận. “Hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc hoán đổi nền đã giao từ năm 2006. Đề nghị UBND quận Cái Răng và các ngành chức năng xem xét hỗ trợ công ty tháo gỡ vướng mắc” – ông Thiện than khó.
Theo ông Châu Hoài Tho – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cái Răng: “Việc đòi hỏi của gia đình ông Hữu là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, do vị trí tái định cư phía công ty đã chuyển nhượng cho các hộ dân khác nên hiện nay chúng tôi cùng công ty cố gắng tìm mọi cách để đáp ứng theo yêu cầu của ông Hữu”.