Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Công an Thanh oai làm trái luật ?


Luật sư bị gây khó dễ khi xin gặp bị cáo!

(PL&XH) - Nếu trong giai đoạn điều tra thì thông thường, LS không bao giờ được gặp riêng bị can mà phải cùng làm việc với điều tra viên. Sau khi hồ sơ chuyển sang VKS và Tòa án thì LS có thể gặp riêng bị can.

LS Nguyễn Quang Anh, Trưởng VPLS Sao Việt (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết  ông nhận lời bào chữa cho 3 bị cáo Bùi Đăng Sơn, Bùi Đăng Hải và Nguyễn Văn Hoàn trong vụ án Hủy hoại tài sản xảy ra ngày 18-10-2011, tại thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 

LS Quang Anh cho biết, khi ông đến gặp ông Nguyễn Hồng Ky, Trưởng nhà tạm giữ CA huyện Thanh Oai, đồng thời là Phó thủ trưởng CQĐT phụ trách điều tra vụ án này để đề nghị được gặp các bị cáo Sơn, Hải, Hoàn đang bị tạm giam thì bị gây khó dễ. “Tôi xuất trình Giấy giới thiệu của VPLS, Thẻ LS, chứng chỉ hành nghề LS, Giấy chứng nhận người bào chữa do TAND huyện Thanh Oai cấp nhưng ông Ky không cho tôi gặp các bị cáo mà yêu cầu tôi phải xin lệnh trích xuất của TAND huyện Thanh Oai (cơ quan đang thụ lý vụ án)”, LS Quang Anh cho biết. Giải thích cho việc này, ông Ky viện dẫn Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07-11-1998 của Chính phủ ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam.

Theo nhiều LS, chỉ tại phiên tòa, việc gặp bị cáo của LS mới “dễ thở”.     Ảnh:TL

LS Quang Anh khẳng định, việc bắt LS phải xin lệnh trích xuất thì mới giải quyết cho gặp bị cáo đang bị tạm giam là trái pháp luật. Hiện, theo LS Quang Anh, các điều khoản liên quan đến vấn đề trích xuất người bị tạm giam của Nghị định 89/1998/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 98/2002/NĐ-CP. 

Khoản 3, 4 Điều 1 Nghị định 98/2002/NĐ-CP quy định trường hợp LS đề nghị được gặp bị cáo đang bị tạm giam trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam để tìm hiểu nội dung vụ án thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam căn cứ vào văn bản đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án cho LS tiếp xúc với bị cáo để quyết định đưa bị cáo đang bị tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ. 

Trong khi đó, Giấy chứng nhận người bào chữa chính là giấy tờ mà cơ quan tiến hành tố tụng cấp cho LS để xác định tư cách tham gia tố tụng, cũng là văn bản thể hiện sự đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng cho LS được thực hiện các quyền của người bào chữa, trong đó có quyền gặp bị cáo đang bị tạm giam theo khoản 2 Điều 58 Bộ luật TTHS.

Khoản 5 Điều 27 Luật Luật sư cũng quy định khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, LS xuất trình Thẻ LS và Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của LS. Còn theo Thông tư 08/2001/TT-BCA thì LS hoặc người bào chữa khác muốn gặp người bị tạm giữ, tạm giam phải có Giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ án do Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS, Chánh án Tòa án hoặc HĐXX cấp và thẻ hành nghề hoặc giấy giới thiệu của Đoàn LS.

Từ thực tiễn hành nghề, LS Quang Anh khẳng định tại các Trại tạm giam như T16 của Tổng cục Cảnh sát, B24 của Tổng cục An ninh, Hỏa Lò (của CATP Hà Nội)… đều chỉ yêu cầu các giấy tờ như trên là đã giải quyết cho gặp các bị cáo mà không đòi hỏi phải xuất trình thêm bất cứ một giấy tờ nào khác. Do đó, việc bắt buộc LS phải có lệnh trích xuất hay quyết định cho gặp (ngoài Giấy chứng nhận người bào chữa) rõ ràng là gây khó khăn, mất thời gian cho người bào chữa, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo!

Nhiều LS cũng cho biết, họ không bị buộc phải xuất trình lệnh trích xuất khi xin gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Nếu trong giai đoạn điều tra thì thông thường, LS không bao giờ được gặp riêng bị can mà phải cùng làm việc với điều tra viên. Sau khi hồ sơ chuyển sang VKS và Tòa án thì LS có thể gặp riêng bị can. Khi đó, LS chỉ phải xuất  trình Giấy chứng nhận bào chữa và Thẻ LS mà không bị yêu cầu xuất trình thêm bất cứ một giấy tờ nào khác!

LS Quang Anh cho biết thêm, Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP qui định việc trích xuất bị can, bị cáo bị tạm giam để thực hiện các hoạt động tố tụng như gặp điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, LS trong phạm vi trại tạm giam, nơi tạm giữ thì người phụ trách ký lệnh trích xuất. Trường hợp Tòa án yêu cầu trích xuất bị cáo ra Tòa để xét xử thì Tòa có lệnh trích xuất hoặc yêu cầu trích xuất gửi đến trại tạm giam để người phụ trách ký lệnh trích xuất và giao cho lực lượng dẫn giải, bảo vệ đưa bị cáo ra khỏi nơi giam để thực hiện các hoạt động tố tụng. Vì thế, khi các LS hay điều tra viên, kiểm sát viên đến gặp bị can trong các giai đoạn tố tụng không bao giờ bị đòi “lệnh trích xuất” của Tòa án hoặc các cơ quan tố tụng khác!


Nhóm PVBĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét