Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Dack Nong - tiếp tục nhức nhối.


Theo VTV làm báo :   http://vtvlambao.blogspot.com/2012/11/dack-nong-dan-mat-at-va-mat-mang-hang.html


Dack Nong - Dân mất đất và mất mạng hàng ngày.

 Đầu năm nay, nhiều người dân Dack Nông đã kéo nhau ra Hà nội khiếu nại việc chính quyền cướp đất đai, đốt phá nhà cửa của họ để bán đất cho doanh nghiệp. Nhiều báo chí trong và ngoài nước đã đăng tải việc này, chính quyền tỉnh đã hứa giải quyết đúng pháp luật, trả lại quyền lợi cho dân nhưng chỉ là hứa. Họ vẫn lừa dân nhiều lần và đến nay, dân vẫn đang mất đất, mất mạng sống trên chính mảnh đất do mình khai phá, trồng trọt nhiều năm. 
  Nhiều người dân tộc thiểu số đã phải ra Hà nội vài lần, bán hết cả trâu bò lợn gà để lấy tiền ra khiếu kiện, Cụ Lê Hiền Đức đã giúp họ trong việc gặp gỡ các cơ quan trung ương tại Hà nội, can thiệp xuống chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những ông Vua xứ rừng vẫn làm theo luật rừng, vì đồng tiền của doanh nghiệp và túi tham của mình, cướp phá những gì của dân, để cho doanh nghiệp giết người dân địa phương như báo Công an thành phố đăng tải dưới đây :

  Dack Nông :



Án mạng từ thuê giang hồ giữ đất
 Thứ ba, 06/12/2011 03:05 

(CATP) Sử dụng súng, mã tấu và cả lựu đạn hơi cay để “trấn áp” dân, một thanh niên bị bảo vệ dùng súng bắn chết.

Chủ doanh nghiệp chưa bồi hoàn tiền cho người dân còn bán luôn mì để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
BẢO VỆ HAY XÃ HỘI ĐEN?

Có mặt tại tòa soạn Báo Công an TPHCM vào những ngày cuối tháng 11-2011, nhiều người dân ngụ tại các xã: Bình Minh, Thống Nhất, Bo Bo thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khẩn thiết cầu cứu tòa soạn hãy cứu họ, bởi bao nhiêu công sức, tiền bạc và cả tính mạng của những người dân nơi đây đang bị xâm hại, đe dọa một cách nghiêm trọng. Ông Lương Minh C. (ngụ tại thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng) bức xúc kể lại: “Chúng tôi là những người dân nghèo từ phía bắc vào đây lập nghiệp. Vì miếng cơm manh áo, ngày ngày khai khẩn đất rừng để trồng trọt (điều, mì, mè, đậu...) làm kế sinh nhai. Chúng tôi biết rằng việc mình lấn chiếm đất rừng là sai, nhưng với cách làm của các doanh nghiệp thì quả thật không thể chấp nhận được. Họ chưa bồi hoàn, thỏa thuận với người dân đã tự tung tự tác cho người phá rẫy, giật sập nhà cửa, lán trại, thậm chí còn đốt cả những bao đậu, mè của chúng tôi. Tính mạng của người dân đã và đang bị đe dọa bởi những kẻ xăm mình (tự xưng là bảo vệ cho các công ty, doanh nghiệp)...”.

Vài ngày sau khi nhận đơn, tòa soạn Báo Công an TPHCM nhận được tin báo một người dân đã bị những bảo vệ của Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc bắn vào trưa 28-11-2011 (nạn nhân đã tử vong sau đó một ngày) ngay tại khu đất mà doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho.

Đại diện người dân tại Báo CATP
Chiều 30-11-2011, chúng tôi có mặt tại gia đình của nạn nhân là anh Điểu Mrú (SN 1981, ngụ tại thôn Đắk La, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) để tìm hiểu sự việc. Điểu Sên (anh ruột nạn nhân) kể lại: “Sáng 28-11-2011, chúng tôi được chính quyền mời lên Công ty Phạm Quốc để làm việc liên quan đến việc hỗ trợ tiền cho người dân. Sự việc diễn ra đến trưa, một nhóm người đi vào khu vực rẫy của mình (mục đích để hái rau, coi mì) bị các bảo vệ cản lại và xảy ra cãi vã. Những bảo vệ này đã dùng gậy, bình xịt hơi cay tấn công người dân, không cho vào khu vực rẫy. Mọi người hoảng hốt khi tại nơi đó nổ liên tiếp 3 phát súng. Cùng lúc đó, Điểu Mrú loạng choạng chạy ra, chưa đầy 10m thì gục ngã. Thấy em mình bị vậy, Điểu Sên cùng vài người cố gắng vác Điểu Mrú qua suối và đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Đắk Nông. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong vào lúc 3 giờ chiều 29-11-2011. Các bảo vệ của Công ty Phạm Quốc tham gia vào vụ việc trên đã bỏ trốn ngay sau đó...”.

Sáng 1-12-2011, tiếp xúc với phóng viên Báo CATP, đại tá Võ Văn Đủ - Giám đốc CA tỉnh Đắk Nông - cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban giám đốc đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc, nhanh chóng truy bắt đối tượng gây án. Hiện cơ quan điều tra CA tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án hình sự trên. Đối với giám đốc Công ty Phạm Quốc, chúng tôi sẽ xử lý theo pháp luật khi đã thu thập đầy đủ chứng cứ...”.

Rẫy của người dân bị Cty Phạm Quốc chiếm đoạt bán cho người khác
XEM THƯỜNG PHÁP LUẬT

Tìm hiểu về sự việc trên, chúng tôi được biết nguyên nhân xuất phát từ việc UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương cho các công ty, doanh nghiệp thuê đất trồng rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo quyết định số 1149/QĐ-UBND và 1150/QĐ-UBND ngày 29-8-2008 về việc thu hồi và giao 318,7ha đất của Công ty lâm nghiệp Quảng Tín, địa chỉ xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông tại các khoảnh 5, 8 và 9 tiểu khu 1536 thuộc địa giới hành chính xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc (gọi tắt là Công ty Phạm Quốc) thuê để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Căn cứ vào quyết định trên, Công ty Phạm Quốc (trụ sở chính tại thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) được chuyển mục đích sử dụng diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng, đất trống và đất nương rẫy sang trồng nông lâm nghiệp. Trong quyết định cũng ghi rõ, đối với các hộ dân đang xâm canh trong khu vực dự án, Công ty Phạm Quốc phải thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho các hộ theo những phương án đã trình duyệt trước đó. Trong trường hợp các hộ dân không đồng ý nhận tiền hỗ trợ, bàn giao mặt bằng thì căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông về giải quyết đất xâm canh tại thông báo số 66/TB-UBND ngày 13-8-2008 để thực hiện (!?).

Không biết Công ty Phạm Quốc căn cứ vào điều nào, khoản nào từ các quyết định, thông báo của UBND tỉnh Đắk Nông, nhưng liên tục từ khi nhận đất đã có những động thái quá khích, xem thường tính mạng, tài sản của người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ khi nhận đất, Công ty Phạm Quốc do ông Phạm Quốc Chiến (SN 1962, trú tại khu phố 4, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) làm giám đốc đã thuê hơn 30 người ăn mặc hầm hố, xăm mình, sử dụng súng, dao, mã tấu và cả lựu đạn, bình xịt hơi cay để “giữ” đất. Việc này đã dẫn đến nhiều vụ đánh nhau giữa bà con nông dân với các đối tượng trên. Theo lời kể của người dân thì cách đây khoảng 20 ngày, hai anh em con ông Tráng A V. (ngụ ở thôn Đoàn Kết, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) vào khu vực rẫy để bắt ong đã bị các “bảo vệ” đánh chấn thương và dùng súng uy hiếp. Ngoài ra, còn xảy ra nhiều vụ bắn nhau, đánh nhau ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Mới đây nhất chính là vụ bắn chết anh Điểu Mrú vào trưa 28-11-2011.

Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và UBND tỉnh Đắk Nông trong việc giao đất và yêu cầu thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân đang xâm canh trên khu đất này, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp để người dân được thu hồi hoa màu nhằm tránh thiệt hại tối thiểu cho những hộ xâm canh. Nhưng phía Công ty Phạm Quốc đã phớt lờ, coi thường pháp luật, xem nhẹ mồ hôi, công sức của người dân. Không những thế, Công ty Phạm Quốc, cụ thể là ông Phạm Quốc Chiến đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người dân với giá trị lên đến 2-3 tỷ đồng từ việc bán mì, cây điều... Cụ thể vào ngày 12-8-2011, ông Chiến đã bán 30ha mì thuộc khoảnh 5, tiểu khu 1536 cho ông N.V.C với giá 450 triệu đồng và một đối tác khác hơn 2 tỷ đồng từ các rẫy mì của các hộ dân xâm canh.

Từ nhiều sai phạm này, rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông nhanh chóng vào cuộc và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những vi phạm nghiêm trọng (từ hành chính đến hình sự) của Công ty Phạm Quốc nói chung và ông Phạm Quốc Chiến nói riêng, để trả lại công bằng cho người dân tại khu đất mà Công ty Phạm Quốc đã thuê, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến địa phương.

 
 SONG NGỌC
 - Theo CATP 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét